Hội NCT tỉnh Thái Nguyên: Tập huấn nghiệp vụ CLB liên thế hệ tự giúp nhau năm 2023

Sáng 7/12, Hội NCT tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lí, vận hành và nhân rộng CLB Liên thế hệ tự giúp nhau (LTHTGN) năm 2023.

Tham dự có lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Viện Nghiên cứu và Phát triển Chăm sóc Sức khỏe cộng đồng (SKCĐ), 36 Chủ tịch Hội NCT các phường, xã và 98 Chủ nhiệm CLB.

Ông Nguyễn Tiến Lợi, Phó Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh Thái Nguyên phát biểu

Ông Nguyễn Tiến Lợi, Phó Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh Thái Nguyên phát biểu

Ông Nguyễn Tiến Lợi, Phó Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh cho biết: Thực hiện Quyết định số 2023 ngày 11/7/2018, Kế hoạch số 233 ngày 22//12/2021 của UBND tỉnh Thái Nguyên về phê duyệt, thực hiện Đề án nhân rộng mô hình CLB LTHTGN trên địa bàn tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 192 CLB LTHTGN với 8.325 thành viên. Trong đó, TP Thái Nguyên có 42 CLB, TP Phổ Yên 36 CLB, TP Sông Công có 8 CLB; huyện Phú Lương có 49 CLB, huyện Phú Bình 33, Đại Từ có 11, Định Hóa và Võ Nhai đều có 2 CLB. Từ năm 2019 đến nay, thành lập 87 CLB mới. Việc duy trì và nhân rộng CLB thể hiện trách nhiệm, vai trò của Hội NCT cơ sở trong việc quản lí, điều phối hoạt động của các CLB, đồng thời thể hiện vai trò phối hợp với các tổ chức chính trị tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền chỉ đạo đối với mảng công tác này.

Thời gian qua, Hội NCT các cấp đã quán triệt về quan điểm, chủ trương và phương pháp thực hiện Đề án của Chính phủ và các Quyết định của UBND tỉnh; đồng thời chỉ đạo, tuyên truyền thực hiện Đề án của Chính phủ về duy trì, nhân rộng CLB. Hội NCT các huyện, thành phố mạnh dạn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đồng thời chỉ đạo các cấp Hội cơ sở thành lập mới các CLB, nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB đã thành lập.

Quang cảnh Hội nghị Tập huấn

Quang cảnh Hội nghị Tập huấn

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, mô hình CLB còn cứng nhắc chưa phù hợp với điều kiện cụ thể ở cơ sở. Một số cơ sở khó khăn về kinh tế xã hội chưa có giải pháp về tài chính, vốn quỹ. Việc tập huấn kiến thức nghiệp vụ chưa hệ thống, bài bản và chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn… Dẫn tới một số CLB hoạt động đơn điệu, chất lượng hạn chế.

Bà Trần Thị Hằng, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu và Phát triển Chăm sóc SKCĐ cho biết: “Mô hình CLB LTHTGN đã và đang giúp cho cộng đồng, đặc biệt là NCT tạo ra môi trường sống vui về tinh thần, khỏe về thể chất, nâng cao chất lượng sống của người dân. Đề án 919 của Viện Nghiên cứu và Phát triển chăm sóc SKCĐ góp phần xây dựng và đóng góp thêm sự phát triển của CLB, theo đúng chủ trương và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước “Lấy y tế cơ sở làm nền tảng, y tế dự phòng làm then chốt” giúp cho sức khỏe cộng đồng được cải thiện và nâng cấp kịp thời”.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu chia sẻ, góp ý xoay quanh thực trạng già hóa dân số, cách thức tổ chức, hoạt động để thu hút các thành viên tham gia; hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, chăm sóc NCT, nâng cao thu nhập cho NCT; vận động nguồn lực cho CLB… Thông qua Hội nghị tập huấn nghiệp vụ lần này góp phần nâng cao kĩ năng quản lí, điều hành hoạt động của các CLB bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Trong thời gian tới, để tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình CLB LTHTGN trên địa bàn tỉnh, các cấp Hội NCT trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp tham mưu cho chính quyền địa phương thành lập, tổ chức và hoạt động CLB LTHTGN. Tăng cường tuyên tuyền trong cộng đồng về ý nghĩa, vai trò, tác dụng mà hoạt động của CLB nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho NCT. Tiếp tục tấp huấn, nâng cao chất lượng cho cán bộ, tăng cường công tác quản lí, kiểm tra giám sát…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *